Menu

💢 HIỂU THẾ NÀO VỀ "CHIẾN LƯỢC" & "TƯ DUY CHIẾN LƯỢC" - NGUYỄN HỮU LONG

HIỂU THẾ NÀO VỀ CHIẾN LƯỢC ?
 
Chiến lược là con đường hay cách thức để đạt được tầm nhìn, khát vọng, mục tiêu lớn và dài hạn (thường gọi là mục tiêu chiến lược). Nếu nói rõ hơn chút, chiến lược là tập hợp các lựa chọn được hợp nhất, liên kết, phối hợp, tương hỗ nhau để giúp doanh nghiệp chiếm giữ vị thế khác biệt, độc đáo nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững (sustainable competitive advantage) và giá trị vượt trội (superior value) so với đối thủ.
 
Trong số các lựa chọn quan trọng của chiến lược (strategic choices), lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp để triển khai chiến lược là lựa chọn quan trọng nhất. Những hoạt động theo sau MHKD được chọn (bởi chiến lược), dù ổn định lâu dài hay thay đổi linh hoạt, về bản chất, là những hoạt động phục vụ cho chiến lược đó!
 
MHKD (business model) chính là phương tiện để thực thi chiến lược nên nó cần được lựa chọn cẩn trọng bởi các phân tích chiến lược (strategic analysis). Sau khi có MHKD rồi thì các hoạt động tiếp theo trong MHKD (dù duy trì ổn định hay thay đổi linh hoạt) chỉ là những hoạt động để triển khai chiến lược kinh doanh ban đầu, chứ bản thân chúng không phải là chiến lược kinh doanh (business strategy).
 
Muốn lựa chọn MHKD hiệu quả, doanh nghiệp không được copy, bắt chước hay lựa chọn một cách tùy tiện mà phải phân tích hoạch định chiến lược dựa vào năng lực, nguồn lực của mình và các yếu tố bên trong, bên ngoài khác để lựa chọn.
 
Chiến lược chỉ ra đích đến, con đường và cách đi tổng thể. MHKD như phương tiện và cách thức cụ thể để thực hiện chuyến đi đến đích an toàn hiệu quả. Không có chiến lược mà lựa chọn MHKD thì cũng giống như chưa biết đi đâu, về đâu, chở gì, đường sá thế nào, tải trọng bao nhiêu, nguồn lực mình đến đâu..., mà đã vội mua xe.
 
Khi chiến lược thay đổi, MHKD cũng thay đổi theo đó cho phù hợp chiến lược mới. Ví dụ, khi một chàng trai thay đổi "chiến lược tán gái" từ tán gái bằng học giỏi, thông minh, trí tuệ sang tán gái bằng tiền bạc, vật chất, sự giàu có..., "mô hình tán gái" của chàng trai lập tức phải thay đổi theo đó. Chàng trai không còn khoe thông minh, học giỏi và mua sách tặng bạn gái nữa mà chuyển sang khoe tiền bạc, tài sản, nhà mặt tiền, và mua tặng bạn gái những món đồ cao cấp, đắt tiền...
 
HIỂU THẾ NÀO VỀ TƯ DUY CHIẾN LƯỢC ?
 
Muốn làm chiến lược, phải có tư duy chiến lược (strategic thinking). Tư duy chiến lược cần được hiểu thế nào? Nếu tìm trên mạng, ta sẽ thấy một "rừng" câu trả lời; và càng tìm, có thể sẽ càng rối. Tôi diễn giải một cách "bình dân" thế này cho mọi người tham khảo nhé!
 
Hai từ chiến lược (strategy), bản thân nó đã bao hàm ý nghĩa dài hạn (long term), lớn lao (không phải vụn vặt); là một sự lựa chọn chủ động (proactive), không phải thụ động (reactive), và có cơ sở cho những quyết định hệ trọng (khác với chiến thuật là tactics).
 
Và tư duy chiến lược không gì khác hơn là cách suy nghĩ, cách tư duy hướng đến những mục tiêu lớn lao, dài hạn, và có sơ sở vững chắc, dựa vào những phân tích khoa học, bao quát, đầy đủ, bằng những công cụ phù hợp để đưa ra những quyết định mang tầm chiến lược. Tư duy chiến lược không phải để phán đoán tương lai mà là để HOẠCH ĐỊNH TƯƠNG LAI trên cơ sở phân tích các thông tin quá khứ, hiện tại, và phán đoán những diễn biến có thể xảy ra trong tương lai.
 
Muốn rèn luyện tư duy chiến lược, ta phải rèn luyện khá nhiều thứ. Trước hết, phải có một tầm nhìn (vision) dài hạn và biết thiết lập những mục tiêu dài hạn (long-term objectives). Và trước khi đặt mục tiêu, người có tư duy chiến lược phải có khả năng phân tích (analyse) và tổng hợp (synthesize) các yếu tố bên trong (intertnal factors), bên ngoài (external factors) để biết mình đang ở đâu, chung quanh đang có gì trước khi nói đến chuyện đi đâu, về đâu...
 
Bên trong là nguồn lực nội tại (resources) với những thế mạnh (strengths) và điểm yếu (weaknesses) của chính mình hay tổ chức mình, trong đó, rất quan trọng là xác định năng lực cốt lõi (core competency). Bên ngoài là những yếu tố liên quan đến “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, bao gồm các yếu tố vĩ mô (macro) và vi mô (micro), thị trường (market), xu hướng tiêu dùng, sản phẩm dịch vụ, đối thủ, khách hàng, nhà cung cấp, những yếu tố có thể tạo ra những cơ hội (opportunities) hay tiềm ẩn những mối nguy (threats), để từ đó có thể vạch ra một con đường đi (về bản chất cũng là một sự lựa chọn/đánh đổi - choice/trade-off) để đi đến mục tiêu mà mình mong muốn (trong dài hạn).
 
Kế đến, người có tư duy chiến lược phải là người có khả năng hoạch định (planning), tức lập ra những kế hoạch dài hạn (long-term plan) và phân chia (break down) thành các bước đi cụ thể (stages) để thực hiện mục tiêu; và có khả năng “thấy” trước (foresee) những xu hướng (trends), diễn biến thay đổi của thời cuộc (environment) để điều chỉnh kế hoạch này.
 
Tư duy chiến lược, nói thì dễ, nhưng hiểu cho đúng và thực hiện cho đúng thì không đơn giản, đặc biệt trong xu hướng làm ăn chụp giựt, ngắn ngày của đại đa số các doanh nghiệp Việt.
 
Một tổ chức, công ty dù là tập đoàn cực lớn hay doanh nghiệp siêu nhỏ luôn cần những con người có tư duy chiến lược (strategic thinkers), biết hướng tầm nhìn ra xa, tìm những đích đến lâu dài, và biết lựa chọn những con đường tối ưu để đi đến cái đích đó. Đó không gì khác hơn là quá trình hoạch định chiến lược (strategic planning).
 
CHIẾN LƯỢC là thứ mà từ BÀ BÁN XÔI đến ÔNG CHỦ TỊCH TẬP ĐOÀN ĐA NGÀNH đều cần đến để phát triển bền vững (sustainable development). Ai có thể giải thích cho mọi người nghe bà bán xôi cần chiến lược để làm gì?
 
Thực tế, có những người bán xôi, bán bánh, thậm chí bán ve chai, rác thải..., nhờ có tư duy chiến lược mà trở thành những đại gia giàu có! Ngược lại, có những người, xuất phát điểm rất tốt (cơ nghiệp gia đình để lại lớn, khởi nghiệp thuận lợi, con nhà "có điều kiện"...), nhưng tư duy vụn vặt, ngắn ngày, nên dần dần đi xuống, có khi phải ra đường bán xôi, bán ve chai, mà còn không bán được. Ai tin không?
 
Nguồn: Nguyễn Hữu Long - Founder Group Phát Triển Doanh Nghiệp Việt